Thứ Hai, ngày 02 tháng 12 năm 2024

Giới thiệu về Nguyễn tộc Văn Giang

Giới thiệu về Nguyễn tộc Văn Giang

      Họ Nguyễn ở thôn Văn Giang, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội  là một dòng họ lớn, có bề dày lịch sử và truyền thống. 
     Theo một số tư liệu, thư tịch, truyền thuyết dân gian tại địa phương và những câu chuyện kể lưu truyền trong ký ức dòng tộc, có thể khẳng định ít nhất từ nửa đầu Thế kỷ XVI đã xác lập Nguyễn Tộc ở vùng đất Văn Giang. Cụ ông  Nguyễn Quý Công, tự Thông Minh, hiệu Đô Thự là người Thái Bình (trấn Sơn Nam Hạ) cùng cụ bà Lê Thị Hằng, hiệu Từ Tâm (gốc Thanh Hóa) đến lập thân tại Văn Giang từ năm Đinh Hợi (1527)và 4 người con trai từ quê lên đây sinh sống, lập nghiệp. Chính vì vậy, hai cụ được suy tôn là Thủy Tổ Khảo và Thủy Tổ Tỷ của "Nguyễn Tộc Văn Giang". 
       - Người con cả: Nguyễn Tiến Hưng (Chi Giáp) nay Ông Cây làm trưởng.
       - Người con thứ hai: Nguyễn Khắc Cần (Chi Ất) nay Ông Nhân làm trưởng.
       - Người con thứ ba: Nguyễn Công Cẩn (Chi Bính) nay Ông Thảo là trưởng.
      - Người con thứ tư: Nguyễn Phúc Tuyên (Chi Đinh) vì lý do làm con nuôi ở làng Thái Bình, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa. Từ xưa vẫn về với tổ và giúp đỡ cho nhau. Nay là họ to ở làng Thái Bình. Hiện nay vẫn về lễ tổ tại mộ tổ trên chùa.
        Năm 1546 Tổ ông mất ngày 21/8 âm lịch Hưởng thọ 63 tuổi, mộ táng tại một khu đất rộng 2 mẫu bắc bộ, vì lụt lội làng cần đất xây chùa, ngôi chùa Văn Giang ở đường đầu Đồng Quan đã được về xây dựng ở khu đất này. Đến năm 1951 do thực dân Pháp chiếm đóng ngôi chùa đã bị phá, năm 1956 sau giải phóng xã Đại Nghĩa đã xây dựng trường cấp1, 2 Đại Nghĩa trên đất này. Sau khi trường cấp 2 di chuyển đến cơ sở mới thì chùa Diên Khánh được xây dựng. Do có ngôi mộ từ trước nên mộ vẫn được tồn tại trong đất chùa (Chùa Diên Khánh, thôn Văn Giang hiện nay).
        Tổ bà là Lê Thị Hằng hiệu từ Tâm quê gốc ở tỉnh Thanh Hóa cố mất ngày 20/7 âm lịch hưởng thọ 70 tuổi, mộ táng ở Đống Bương thôn An Đà, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức. 
        Năm 1937 dòng họ đã xây dựng nhà thờ họ “Nguyễn tộc từ đường” có đày đủ Ngai, Hoành phi, câu đối. Ngày giỗ có tế, lễ, chào, hát. Từ năm 1945 cách mạng tháng 8, Đại bái của nhà thờ được sử dụng làm trường dạy học. Khi giặc Pháp chiếm đóng phá Đình, Chùa. Các cụ rước tượng thần Hoàng làng, tượng phật về thờ ở đây.
           Ngày 07/10/1961 Bác Hồ về nhà thờ họ giảng Nghị quyết V của BCH Trung ương Đảng về phát triển nông nghiệp và từ sau đó nhà thờ họ đã trở thành nhà lưu niệm Bác Hồ về với nhân dân xã Đại Nghĩa. 

     "Nước có Sử, nhà có Phả" là điều chân lý xưa nay! 
    Vấn đề Biên soạn Gia phả của "Nguyễn Tộc Văn Giang"  đã được nhiều bậc tiền nhân trong dòng tộc quan tâm, nhằm biên chép sự phát triển nối tiếp giúp các thành viên trong họ biết nguồn gốc ông bà tổ tiên và mối liên quan, thế thứ của các thế hệ cháu con dòng họ. Tuy nhiên, theo dặm dài lịch sử, trải qua nhiều triều đại phong kiến, và các cuộc chiến tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ đất nước quê hương, hầu hết các Văn bản, Gia phả của "Nguyễn Tộc Văn Giang" đều thất lạc. 
         Năm 1998, trên cơ sở Sơ đồ phát triển của "Nguyễn Tộc Văn Giang" lưu tại nhà thờ Họ, Ban Tộc biểu đương. Dựa trên tài liệu sưu tầm của các cụ: Cụ Sáo (Chi 1), cụ Chử (Chi 2), cụ Cự (Chi 3). Khi đó ông Nguyễn Văn Đức phát tâm xây dựng, in ấn cuốn "Nguyễn Tộc Phả Văn Giang" gồm 83 trang, biên chép thế thứ của Họ từ Khởi Tổ (1527) đến 1996. Tuy nhiên, "Nguyễn Tộc Phả Văn Giang" chỉ ghi danh sách gần 600 thành viên là con trai của dòng họ, các thông tin cá nhân (năm sinh, năm mất, mộ phần, vợ, con gái… ) đều không thấy ghi chép. Do vậy Tài liệu này dường như mang chỉ tính chất của một Phả hệ. 
    Tính đến năm Canh Tý (2020), "Nguyễn Tộc Văn Giang" hình thành đã trải qua gần 500 năm, phát triển được 14 Đời con cháu với nhiều nghìn thành viên. Cháu con trong dòng tộc hiện sinh sống trên nhiều vùng miền của Tổ quốc, không ít thành viên định cư ở nước ngoài. Qua biến thiên của thời gian suốt 5 thế kỷ, dù làm gì, ở đâu, thời điểm nào, con cháu "Nguyễn Tộc Văn Giang" đều luôn giữ vững đạo đức gia phong, có cuộc sống trong sáng, ấm no, tôn trọng con người và luật pháp xã hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp, bình yên. Nhiều người con của "Nguyễn Tộc Văn Giang" đã làm rạng danh dòng tộc khi trở thành nhà giáo, doanh nhân, kỹ sư, bác sĩ, thợ lành nghề, lãnh đạo trong cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang… cũng nhiều người hi sinh máu xương trong các cuộc kháng chiến, vì độc lập tự do của Tổ quốc.
    Kế tục những giá trị cao đẹp, nhằm tri ân quá khứ - phục vụ hiện tại - xây đắp tương lai, vì sự trường tồn của dòng họ, Ban Tộc biểu đã tiến hành khảo cứu văn bản, sưu tầm các trường thông tin tư liệu về dòng họ, bổ sung xây dựng Gia phả của "Nguyễn Tộc Văn Giang". Tài liệu này vừa biên soạn theo thể thức biên soạn Gia phả truyền thống, đồng thời được trình bày dưới dạng số hóa thông tin trên giao diện điện tử Internet sẽ mang đến sự lan truyền mạnh mẽ, mau lẹ, giúp các thành viên dòng tộc dễ dàng tương tác, tra cứu tin tức chung của các chi phái, nguồn gốc tổ tiên, làm rõ thế thứ ông bà, chú bác, anh em… nhằm nêu cao tự hào về truyền thống tốt đẹp, củng cố niềm tin, vững bước đi lên trong cuộc sống. 
         Phát huy tinh thần đoàn kết gia tộc, các thế hệ sau này dựa vào đó tiếp tục tìm hiểu thêm để ghi chép bổ sung vào Gia phả này góp phần bồi đắp vận mệnh dòng tộc, thêm gắn bó yêu thương nhau, cùng đem lại vinh dự cho dòng họ ./.

Nguồn: Nguyễn tộc Văn Giang

Bình luận