LỄ HỘI CỔ TRUYỀN HAI LÀNG VĂN GIANG, NAM DƯƠNG TRÊN HÁT GIANG
Từ trung tâm Thành phố Hà Nội, theo quốc lộ 21B, đi về phía tây nam, khoảng 52km là đến huyện Mỹ Đức.Làng Văn Giang( nay là Tổ dân phố Văn Giang) thuộc Thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức. Bên kia Hát giang(sông Đáy) là thôn Nam Dương, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa. Hai làng,từ bao nhiêu đời nay, gắn bó với Hát giang( sông Đáy).
Mở
Việt Nam là một quốc gia có nhiều sông, kinh rạch. Lễ hội cổ truyền là “ thời điểm mạnh trong sinh hoạt cộng đồng”( Đinh Gia Khánh),nhưng tổ chức lễ hội trên sông, không phải có nhiều làng xã thực hiện. Đã có một số bài miêu thuật nghi thức ra sông lấy nước ,đem về làm lễ mộc dục của một số lễ hội cổ truyền ở một số làng quê,nhưng viết về một lễ hội trên Hát giang(sông Đáy) của hai làng Văn Giang, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức và thôn Nam Dương,xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa của thành phố Hà Nội thì bài viết này là bài viết mới,nhìn nhận lễ hội hai làng trên Hát giang( sông Đáy) theo lý thuyết cấu trúc lễ hội.
Hai làng bên Hát giang
Từ trung tâm Thành phố Hà Nội, theo quốc lộ 21B, đi về phía tây nam, khoảng 52km là đến huyện Mỹ Đức.Làng Văn Giang( nay là Tổ dân phố Văn Giang) thuộc Thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức. Bên kia Hát giang(sông Đáy) là thôn Nam Dương, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa. Hai làng,từ bao nhiêu đời nay, gắn bó với Hát giang( sông Đáy).
Ngược dòng lịch sử, huyện Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa đều có biến đổi ranh giới địa lý hành chính.
Thời Hùng Vương, nước Văn Lang được chia làm 15 bộ, vùng Mỹ Đức, Ứng Hòa thuộc bộ Giao Chỉ.
Từ năm 43 sau CN, sau khi làm tan rã vương triều của Trưng Trắc, Trưng Nhị, người phương Bắc thống trị khu vực châu thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện nay. Nhà Hậu Hán cai trị vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, đặt tên vùng này là Giao Châu, đến nhà Tấn, nhà Đường đặt quận Giao Chỉ, Giao Châu.
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La, sau đổi làm thành Thăng Long. Vùng đất Ứng Hòa, Mỹ Đức hiện nay được vua Lý Thái Tổ đặt là phủ Ứng Thiên. Danh xưng này tồn tại qua thời Trần. Đánh thắng giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua lập ra nhà Lê năm 1428, nước Đại Việt được chia làm 4 đạo, rồi 5 đạo. Đời vua Lê Thánh Tông, chia nước thành 12 đạo. Vùng Mỹ Đức, Ứng Hòa hiện nay khi ấy thuộc đạo Quốc Oai. Năm 1802, chúa Nguyễn Ấnh, thắng thế vương triều Tây Sơn, lên làm vua, đặt niên hiệu là Gia Long, vùng đất Mỹ Đức, Ứng Hòa thuộc trấn Sơn Nam.
Huyện Mỹ Đức nguyên xưa là phần đất của hai huyện Yên Sơn, Mỹ Lương thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây và huyện Chương Đức thuộc phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Năm Gia Long năm thứ 13(1814), nhà vua đổi phủ Ứng Thiên sang phủ Ứng Hòa. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), phủ Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Nội, gồm 4 huyện là Sơn Minh, Hoài An, Chương Đức và Thanh Oai (1) Năm Đồng Khánh năm thứ 3 (1888) huyện Chương Đức chia thành hai huyện: huyện Yên Đức thuộc phủ Mỹ Đức và huyện Chương Mỹ thuộc phủ Ứng Hòa. Năm 1896, vua Thành Thái gom phần đất phía nam Hà Nội thành lập tỉnh Cầu Đơ,năm 1904, đổi thành tỉnh Hà Đông.Sau năm 1945, huyện Mỹ Đức thuộc tỉnh Hà Đông.
Huyện Ứng Hòa nguyên xưa là phủ Ứng Thiên, thuộc trấn Sơn Nam, Năm Gia Long thứ 13(1814), vua Gia Long đổi tên phủ Ứng Thiên là phủ Ứng Hòa. Năm Minh Mạng thứ 12(1831), nhà vua Minh Mạng thành lập tỉnh Hà Nội, khi ấy Ứng Hòa là một trong 4 phủ của tỉnh Hà Nội. Phủ Ứng Hòa gồm các huyện Sơn Minh (sau đổi làm huyện Sơn Lãng), huyện Chương Đức (sau đổi làm huyện Chương Mỹ), huyện Thanh Oai và huyện Hoài An. Năm 1891,triều đình nhà Nguyễn thành lập phủ Mỹ Đức bao gồm ba huyện: Yên Đức, Chương Mỹ và Sơn Lãng. Năm 1896, vua Thành Thái thành lập tỉnh Cầu Đơ rồi đổi thành tỉnh Hà Đông, phủ Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Đông.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, huyện Sơn Lãng đổi tên là huyện Ứng Hòa, huyện Yên Đức đổi thành huyện Mỹ Đức.
Ngày 21 tháng 4 năm 1965, sáp nhập hai tỉnh Sơn Tây, Hà Đông thành tỉnh Hà Tây, hai huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Tây.
Ngày 27 tháng 12 năm 1975, hợp nhất hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình,hai huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình lại tách ra thành hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình,hai huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Tây.
Ngày 1 tháng 8 năm 2008, tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Thành phố Hà Nội, hai huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa là hai huyện thuộc Thành phố Hà Nội.
Không gian thờ cúng
Không gian của lễ hội làng Văn Giang là hai ngôi đình. Cạnh Hát giang(sông Đáy) là đình Trên, ngôi đình bị thực dân Pháp đốt cháy trước năm 1954. Khoảng những năm 90 của thế kỷ XX,người dân trùng tu xây dựng ngôi đình như hiện nay.Cấu trúc của ngôi đình, gian ngoài có ba ban thờ: ban ở giữa thờ ngài Diên Hưu,ban bên trái thờ Thủy thần, ban bên phải thờ liệt sĩ. Hậu cung là ngai và ban thờ Hưng Đạo Đại vương cùng một bát hương bằng đá to, có chữ Thượng đẳng thần. Ngoài đình Trên,làng Văn Giang còn có đình Dưới. Đình thờ hai vị Diên Hưu và Nam Quốc ,là thành hoàng làng và Diệu Quý công chúa (tức nữ tướng Bát Nàn thời Hai Bà Trưng). Gần đây, dân làng có cho rằng đây là nơi thờ nữ tướng Lê Chân.
Trong đình Dưới, cùng pho tượng,ngai thờ, bên trên có bức hoành phi với ba chữ Tối linh từ và một câu đối chữ Hán.
Phiên âm:
Trưng triều trung liệt trấn nam thiên
Thần sĩ uy thanh kình đắc
Dịch là:
Trung liệt triều Trưng (vương) vang động trời Nam
Uy thanh quân sĩ vang trời Bắc
Không gian lễ hội làng Nam Dương là ngôi đình quay mặt ra Hát giang(sông Đáy). Giữa sân đình là lư hương bằng đá. Bên trong, gian giữa là cung Ông với một bát hương bằng đá và một bát hương thờ các quan cùng ban thờ các liệt sĩ và ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên phải là cung Nội, cung Ngoại có ban thờ Thánh nữ Huê Nàng và các nàng hầu.
Không gian lễ hội của hai làng là ba ngôi đình,hai ngôi đình của làng Văn Giang,một ngôi đình của làng Nam Dương, nhưng khác với các làng quê khác, không gian lễ hội của hai làng còn là mặt nước Hát giang(sông Đáy).Nghi thức, nghi lễ diễn ra trên mặt nước của dòng sông,đó là Hát giang( sông Đáy).Dòng sông này có chiều dài 240km, là một trong những con sông dài ở miền Bắc Việt Nam, chảy qua Thành phố Hà Nội, các tỉnh:Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định. Trước đây, đoạn sông Đáy chảy qua Văn Giang và Nam Dương có tên chữ Hát giang (đoạn này kéo dài từ giữa huyện Phúc Thọ và huyện Đan Phượng). Đoạn hạ nguồn từ thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội đến cửa Đáy được công nhận là tuyến đường sông cấp quốc gia bởi sông Đáy khi xuôi đến Vân Đình, huyện Ứng Hòa thì lòng sông rộng ra, lưu lượng chậm lại nên có thể đi thuyền được. Khúc sông chảy đến đây men theo vùng chân núi nên phong cảnh hữu tình. Đến địa phận huyện Mỹ Đức, sông Đáy (Hát giang) tiếp nhận dòng suối Yến (thủy lộ vào chùa Hương),đến tỉnh Hà Nam góp nước từ phía tả ngạn và tiếp tục xuôi qua tỉnh Ninh Bình rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ ở cửa Đáy.
Nhân vật thờ cúng
Hai làng Văn Giang, Nam Dương thờ cúng các vị thần khác nhau.Với làng Văn Giang,sắc phong và thần tích của hai làng tại đình Trên đã bị thực dân Pháp đốt cháy cùng với việc đốt cháy ngôi đình vào năm 1951-1952,nhưng chúng tôi tìm trong thư tịch, năm 1938, dân làng nộp bản khai có chữ ký và đóng dấu của phó tổng Lê Văn Chấp cho Viễn Đông bác cổ của Pháp, nay lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết khi ấy, làng thờ ba vị : “Vị thứ nhất là Thành Hoàng Thượng đệ Phó Nguyên soái, có công giúp vua Nhân Tông triều Lê, quê tại trang Chính Đại, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, đạo Ái Châu, người họ Nguyễn, tên là Diên Hưu, sinh ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Thìn, hóa ngày 18 tháng 2 tại xứ Viên Lâm (vốn là đất đóng quân), thuộc địa phận thôn Văn Giang, xã Ngọ Xá, có công đánh thắng Chiêm Thành.
Vị thứ hai là Thành hoàng Đại vương, có công giúp Duệ Vương, triều Hùng, quê tại thôn Văn Giang, xã Ngọ Xá, huyện Hoài An, phủ Ứng Hòa, đạo Sơn Nam, hiệu là Nam Quốc, sinh ngày 6 tháng Giêng năm Bính Tuất, hóa ngày 15 tháng 8, có công đánh thắng quân Thục.
Vị thứ ba là Thượng đẳng Công chúa, làm quan Phụ chính triều Trưng (Nữ vương), có công dẹp Tô Định, quê tại thôn Văn Giang, xã Ngọ Xá, huyện Hoài An, phủ Ứng Hòa, đạo Sơn Nam, hiệu là Diệu Quý, sinh ngày 15 tháng 8 năm Kỷ Dậu, hóa ngày 16 tháng 6.”(2)
Đối chiếu với văn bản chữ Hán lưu trữ tại đình Bách Linh, thôn Dư Xá thượng, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa thành phố Hà Nội về các bản sắc phong ở thôn Văn Giang cách đây chừng gần 150 năm, thông tin ấy là nhất quán. Các vị Thành hoàng và Phúc thần của làng Văn Giang có 12 sắc phong của các vương triều nhà Hậu Lê, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn.Theo GS.TS Đinh Khắc Thuân: “ Thời Lê có 2 đạo sắc phong vào năm Chính Hòa thứ 4 (1683) và năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Thời Tây Sơn có 2 đạo năm Quang Trung thứ 5 (1792) và năm Cảnh Thịnh nguyên niên (1793). Triều Nguyễn có 10 đạo gồm: 1 đạo năm Gia Long thứ 9 (1810), 1 đạo năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), 1 đạo năm Thiệu Trị thứ 4 (1843), 1 đạo năm Tự Đức thứ 3 (1850), 1 đạo năm Tự Đức thứ 33 (1880), 1 đạo năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), 1 đạo năm Duy Tân thứ 3 (1909) và 3 đạo năm Khải Định thứ 9 (1924)”( 3). Khoảng thập niên chín mươi trở lại đây,sau khi trùng tu, dân làng thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ở đình Trên.
Trong khi đó,làng Nam Dương thờ vị thành hoàng là Minh Ứng Chiêu Khánh, một vị tướng thời nhà Đinh, có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng chống giặc ngoại xâm,ngài được 11đạo sắc phong của các vương triều : nhà Lê có hai đạo sắc phong vào năm Cảnh Hưng thứ 44(1783),năm Chiêu Thống thứ 1(1787); nhà Tây Sơn có 2 đạo sắc phong vào năm Quang Trung thứ 2(1789), năm Cảnh Thịnh thứ 1(1793); Nhà Nguyễn có 07 đạo sắc phong: vào năm Thiệu Trị thứ 6( 1846) tháng 11,12, vào năm Tự Đức thứ 3( 1850) và năm Tự Đức thứ 33(1840),vào năm Đồng Khánh thứ 2(1887), vào năm Duy Tân thứ 3( 1909),năm Khải Định thứ 9(1924).Đồng thời thờ thánh nữ Hoa Nương (đọc chệch là Huê Nàng), vị thánh nữ có 01 đạo sắc phong của nhà Nguyễn.
Nói chung, các vị thần được hai làng Văn Giang,Nam Dương thờ cúng là nhân thần, đều là những nhân vật lịch sử, có công lao với dân với nước. Người dân thờ cúng, gửi niềm tin tín ngưỡng của mình với các nhân vật lịch sử ấy. Các vương triều quân chủ phong sắc thần cho các vị Thành hoàng, Phúc thần của hai làng trải qua lịch sử từ năm Chính Hòa thứ 4 (1683) và năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) đến năm Khải Định thứ 9 (1924). Đó chính là nhân tố tạo ra sự liên kết cộng đồng của hai làng Văn Giang, Nam Dương.
Diễn trình lễ hội
Không có tư liệu ghi chính xác năm ra đời của lễ hội hai làng Văn Giang, Nam Dương. Căn cứ sắc phong của nhà Hậu Lê cho vị thần của làng Văn Giang vào năm Chính Hòa thứ 4 (1683), có thể thấy khi ấy làng đã đông dân cư, có thần của làng, được triều đình thừa nhận.
Khởi nguyên tín ngưỡng của hai làng là tín ngưỡng thờ thủy thần, sau là tín ngưỡng thờ các vị thành hoàng và phúc thần của hai làng được thể hiện qua lễ hội của hai làng Văn Giang, Nam Dương. Lễ hội thực hiện theo lịch trình thời gian như sau.
Ngày 10 tháng 3 âm lịch, mỗi làng làm nghi lễ mở cửa đình tại làng mình, xin phép Thành hoàng và Phúc thần, sau khênh kiệu ra sân đình, rước kiệu quanh làng gọi là lễ khán thổ (xem đất).
Ngày 11 tháng 3 âm lịch, tổ chức cho người dân trong làng vào đình cúng lễ Thành hoàng và Phúc thần, sau tổ chức các hoạt động vui chơi tại làng.
Từ 6g 30 sáng ngày 12 tháng 3 âm lịch, mỗi làng xin phép thần thành hoàng của làng rước 5 kiệu ra khỏi đình làng, đến 07g rước kiệu ra bến sông, xuống thuyền. Mười kiệu của hai làng bắt đầu ghép thuyền thành một đoàn thuyền.Chiếc thuyền số 1 là thuyền lễ có bàn thờ bày lễ vật. Trưởng Ban tổ chức lễ hội của làng đăng cai tuyên bố lý do giới thiệu thành viên hai làng tham gia Ban tế lễ. Sau đó, một vị sư ở chùa làng đọc kinh Phật. Đại diện làng Văn Giang đọc Văn tế thủy thần với câu kết: “Hội hôm nay Hát giang gửi lễ, Kính Thủy thần chấp để chứng tình thân” rồi hóa văn tế.
Tiếp theo là nghi lễ đọc Văn khấn thành hoàng trang nghiêm :
“Nhớ thuở xưa,
Đức Hưng Đạo Đại vương đánh thắng giặc Nguyên Mông vào thế kỷ mười ba, các triều đình ghi công lao vào sử sách.
Đức thành hoàng làng Văn Giang giúp Hùng Vương bảo vệ nhà nước Văn Lang.
Đức thành hoàng làng Nam Dương giúp vua Đinh Tiên Hoàng giữ nước Đại Cồ Việt.
Hai Thánh nữ Trinh Thục, Huê Nàng, anh linh luôn chăm sóc dân làng”.
Sau đó, hai làng dâng lễ vật là cá chép cho Thủy thần, Thành hoàng và Phúc thần hai làng bằng cách thả cá xuống sông.Yêu cầu là cá chép còn sống.
Nghi thức tiếp theo làng Văn Giang đọc khoán ước thời vua Tự Đức,bản Khoán ước gồm bảy điều:
Phiên âm:
“Nhất điều lệ: Mỗ xã sở hữu công phúc từ thỉnh phụng nghênh nghi chỉnh lễ ngân tam thập quan, tịnh trung nam cụ túc, kỳ thưởng tiêu số vu tùy nghi y lệ.
Nhất điều lệ: Mỗ xã sở hữu từ thỉnh tế tất dư huệ giả ẩm thực nghi vật nhất hiệp yêu sách y lệ.
Nhất điều lệ: Mỗ xã hữu thỉnh phụng nghênh giả, kỳ đốn lễ can cai xã sở thụ y lệ.
Nhất điều lệ: Mỗ xã hoặc hà nhân sở hữu gian tâm cạnh kiến xuất địch, thỉnh nhị xã định tróc giá tiền lục quan y lệ.
Nhất điều lệ: Hệ ngộ lâm kháng hạn giả, tư thừa trát sức, lưỡng xã ưng cộng thuận tình phụng nghênh thánh giá hội đồng như đốn lễ, mỗi lễ giá tiền tam quan. Kỳ tạo lệ dân sở thụ. Phàm dư huệ, nhị xã đồng thụ, ngoại giả nghi đình, vô đắc yêu sách y lệ.
Nhất điều lệ: Lưỡng xã hà nhân sinh tình lăng mạ giả nghi si tam thập, tái tróc ngân văn nhất quan nhị mạch y lệ.
Nhất điều lệ: Mỗ xã tu tác thần từ, Phật tự, sở hữu bản tâm như cầu cúng hà sở nhận như thị y lệ”.
Dịch nghĩa:
“ - Điều lệ: Xã nào có việc công phúc thỉnh mời rước hội, phải chuẩn bị lễ giá tiền 30 quan và đầy đủ số nam trung tuổi, phần thưởng tùy nghi theo như lệ đã định.
- Điều lệ: Xã nào có lời mời, tế xong cùng ăn uống thụ lộc, không được yêu sách theo như lệ đã định.
- Điều lệ: Xã nào thỉnh mời rước sách thì lễ tạ do xã ấy phải sắm.
- Điều lệ: Xã nào hoặc người nào có gian tâm tranh giành bị phát hiện thì 2 xã có quyền tróc phạt tiền 6 quan theo như lệ đã định.
- Điều lệ: Gặp khi chống hạn, theo trát quan trên hai xã thuận tình phụng nghênh thánh giá hội hợp. Lễ tạ mỗi lễ giá tiền 3 quan, do dân tạo lệ sắm. Lễ xong hai xã cùng thụ hưởng, ngoài ra không được yêu sách, đòi hỏi thêm như lệ đã định.
Điều lệ: Trong hai xã, người nào cố tình lăng mạ, phạt đánh 30 roi, phạt tiền 1 quan 2 mạch theo như lệ đã định.
- Điều lệ: Xã nào tu sửa đền, chùa, tùy theo lòng thành, cúng tiến như nào thì nhận như vậy theo lệ đã định”.(4)
Trước đây, Ban tổ chức còn đọc bản Khoán ước được bổ sung vào thời vua Bảo Đại,năm 1941 do thời gian không nhiều,nên chuyển sang công việc làng Nam Dương đọc khoán ước năm 2018, sau đó trao khoán ước cho đại diện hai làng.Trống chiêng được cử hành,âm vang khắp mặt Hát giang(sông Đáy).Tiếp theo là nghi thức lấy nước Hát giang(sông Đáy) đem về đình hai làng. Nhà sư thả vòng dây màu đỏ trên mặt nước sông để chuẩn bị cho hai làng múc nước đổ vào bình, đặt lên kiệu. Nghi thức mà người dân hai làng Văn Giang,Nam Dương chờ đợi là nghi thức diễu hành trên sông. Chánh tế nổi trống, phất cờ điều hành: thuyền lễ đi trước, các thuyền còn lại của hai làng đi sau, diễu hành mấy lượt trên mặt sông. Người dân hai làng đứng hai bên bờ sông vẫy chào đoàn thuyền diễu hành. Chừng hai tiếng đồng hồ, thuyền lễ cập bến làng Văn Giang để lên bờ. Hai bình nước,cùng các kiệu của cả hai làng được khênh và rước vào đình Trên của làng Văn Giang. Ban chánh tế của hai làng thực hiện nghi thức thờ cúng như qui định từ xưa.Sau đó, cả hai làng Văn Giang, Nam Dương thụ lộc tại sân đình làng Văn Giang. Phần nghi lễ “giã hội” do Trưởng Ban tổ chức lễ hội điều hành.Các đội rước kiệu,khênh bình nước, thắp hương, của làng Nam Dương, làm lễ trước ban thờ đình Văn Giang để xuống thuyền về làng Nam Dương. Làng Văn Giang tiễn làng Nam Dương xuống thuyền, về đình làng Nam Dương. Nhiệm vụ tổ chức lễ hội của hai làng ba năm sau được trao cho làng Nam Dương.
Giá trị và bảo tồn,phát huy
Với các nghi thức, nghi lễ,lễ hội hai làng Văn Giang, Nam Dương là một di sản văn hóa phi vật thể giàu có giá trị lịch sử ,văn hóa và khoa học .
Trước tiên là giá trị lịch sử, theo khoán ước của hai làng Văn Giang Nam Dương có niên đại từ thời vua Tự Đức năm thứ 2 ( năm 1849), hai làng đã tổ chức lễ hội. Như thế, nhìn ở phương diện thời gian,tính đến năm 2023, lễ hội của hai làng có lịch sử 174 năm. Nếu căn cứ vào khoán ước, trước đây đã có nhưng thất lạc, năm 1849 làm lại thì lễ hội của hai làng còn có lịch sử lâu đời hơn. Theo khoán ước, cứ xã nào có việc công phúc thỉnh mời rước hội. Theo lời kể của các bô lão trong hai làng, hễ làng nào có biến động, như bị kẻ gian, kẻ cướp tiến đánh thì làng còn lại phải nổi trống và cử thanh niên sang ứng cứu. Hễ gặp khi chống hạn, quan trên tổ chức cúng tế thần linh, thì hai làng phải tham gia. Như vậy, lễ hội hai làng phản ánh quá trình người dân hai làng khai phá vùng đất hai bên Hát giang(sông Đáy) từ xa xưa.
Dân cư hai bên bờ Hát giang(sông Đáy) thuộc thành phố Hà Nội,tỉnh Hà Nam v.v… tổ chức nhiều lễ hội, là dịp để người đời sau nhớ về người đời xưa, tưởng nhớ công việc thuở xưa tổ tiên đã làm.Trong sâu thẳm tâm thức người dân, kính trọng thủy thần, gắn bó với Hát giang(sông Đáy) vẫn hằn vết, mặc dù bây giờ người dân hai làng không còn làm nghề chài lưới, phương thức sinh sống là trồng lúa nước. Lễ hội hai làng Văn Giang, Nam Dương phản ánh quá trình người dân hai làng khai phá vùng đất hai bên Hát giang(sông Đáy). Ắt hẳn hai bên sông là các vùng đầm lầy, nên tổ tiên của hai làng mới tụ cư để khai phá. Địa danh hiện tại của làng Văn Giang có Đồng Dầm, Đồng Lu, Bãi Cả, Bãi Vạc v.v...phản ánh vùng đất đầm lầy.Trước đây, làng Văn Giang chia hai:đàng Trong (phía đình Trên) là khu đất cao; đàng Ngoài là khu đất thấp, dân cư khai phá sau. Ngôi đình còn lại có tên Đình Càn (Càn tức cà na mà GS Trần Quốc Vượng(1934-2005) giải mã tức là Cá). Ở tỉnh Nghệ An cũng có một ngôi đền mang tên đền Cờn, gọi trại của từ Càn. Các bô lão của làng Văn Giang kể, ngày xưa, khu vực đình Càn rất rộng, một hôm có những cây gỗ lim trôi về. Các cụ vớt lên để làm ngôi đình, gọi là đình Càn, sau tránh dùng từ Càn vì sợ liên quan đến việc nói càn, nói bậy mà gọi là đình Dưới. Làng Nam Dương có nhiều địa danh liên quan đến sông nước: Xứ đồng Bầu Trên, xứ đồng Bầu Dưới. Các cụ còn nhớ làng có vực, nước từ Hoà Xá đổ về. Như thế, lịch sử hai làng Văn Giang, Nam Dương ở hai bờ sông là lịch sử của một cộng đồng chính phục Hát giang(sông Đáy),từ dưới sông lên bờ lập làng lập ấp. Nghi thức đầu tiên của lễ hội, hai làng thắp hương, cúng tế, sau rước kiệu quanh làng mà người dân gọi là rước thành hoàng khán thổ, tức là xem đất.Từ dưới sông lên bờ, khai phá tạo lập đất đai, nên rước thành hoàng đi xem đất (khán thổ).
Trong sâu thẳm tâm thức người dân, tâm lý kính trọng thủy thần, gắn bó với Hát giang(sông Đáy) vẫn hằn vết, mặc dù bây giờ người dân hai làng không còn hành nghề chài lưới, phương thức sinh sống là trồng lúa nước. Vì vậy, lễ hội hai làng Văn Giang Nam Dương có giá trị lịch sử sâu sắc, phản ánh lịch sử khai phá, chinh phục Hát giang(sông Đáy) của bao nhiêu đời trước.
Thứ hai là giá trị văn hóa của lễ hội hai làng Văn Giang, Nam Dương. Giá trị này thể hiện ở việc hai làng có một khoán ước có thể coi là biểu hiện của tục kết chạ. Theo Từ điển Mỹ tục: Kết chạ là một nghi thức tập tục mang tính truyền thống giao hảo giữa các làng Việt cổ có những mối quan hệ về nguồn gốc, về sự cùng thờ phụng các vị thần thành hoàng, về sự giúp đỡ lẫn nhau hay có cùng một hoạt động nghề nghiệp kinh tế hay cùng chung loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống. Thực ra, kết chạ giữa hai làng của người Việt không là nét riêng biệt của hai làng Văn Giang, Nam Dương. Nhiều làng Việt ở các tỉnh thuộc châu thổ Bắc Bộ có tục kết chạ. Nhưng kết chạ có văn bản chữ Hán còn lưu giữ được là rất hiếm. Khoán ước của hai làng Văn Giang, Nam Dương được lập ngày 8 tháng 2 năm Tự Đức thứ 2, tức năm 1849 ( năm Canh Tuất), có 7 trang, mỗi làng giữ một bản, bản giáp làng Văn Giang giữ, bản ất làng Nam Dương giữ. Cho đến hiện nay, hai làng còn lưu giữ được bản khoán ước chữ Hán này. Theo Khoán ước “Việc kết giao ước, trước là để cùng thờ thần, sau để thuận tình trong việc ứng xử qua lại với nhau”.
Cứ ba năm một lần, hai làng mở hội. Như thế, bao đời nay, người dân hai làng Văn Giang Nam Dương đã “văn hoá hoá” một văn bản khoán ước, biến văn bản thành sinh hoạt văn hoá cộng đồng có sức sống mạnh mẽ.
Mặt khác, giá trị văn hóa của lễ hội thể hiện qua diễn biến các nghi thức và trò diễn ở đây. Hai làng sau khi làm lễ với Thổ thần, Thành hoàng,Phúc thần đã rước kiệu ra bến sông và thực hiện các hoạt động của lễ hội trên mặt nước sông Đáy (Hát giang). Mỗi làng có 5 kiệu rước gồm các kiệu: kiệu thành hoàng, kiệu nữ thánh, kiệu đồ lễ, kiệu ảnh Bác Hồ... Trước ngày 12 tháng 3 âm lịch, mỗi làng rước kiệu của làng mình quanh làng, mà các bô lão của hai làng gọi là khán thổ (Xem đất).
Thứ ba là các hoạt động của lễ hội, sáng ngày 13 tháng 3 âm lịch, các kiệu của hai làng được rước xuống thuyền. Các thuyền diễu hành trên sông, rồi ghép thuyền. Lãnh đạo hai làng, tùy năm, phân công người đọc văn trình, đánh trống khai hội. việc cúng thủy thần được thực hiện, sau đó là đọc văn tế các thần linh của hai làng, lấy nước sông mang về dành cho công việc mộc dục của cả năm. Rồi thực hiện nghi thức dâng lễ vật (thả cá) xuống Hát giang(sông Đáy). Sau đó là nghi thức đọc khoán ước năm 1849 và khoán ước năm 2018. Tiếp theo là trò diễn diễu hành các thuyền trên sông và đưa các thuyền cập bến. Hai làng rước kiệu lên làng đăng cai, rước quanh làng, rồi tụ về đình. Năm 2023 làng Văn Giang là làng đăng cai nên rước tất cả các kiệu của hai làng về đình Văn Giang. Sau đó, hai làng làm lễ tế tại đình. Rồi hai làng thụ lộc, sau trở lại đình làm lễ chia tay. Văn Giang là làng đăng cai, nên tiễn làng Nam Dương ra bến sông. Các kiệu của Nam Dương được rước xuống thuyền, cùng chóe nước đã được thần linh chứng kiến để về đình làng mình. Như vậy, mọi hoạt động của lễ hội hai làng Văn Giang Nam Dương diễn ra trên mặt nước Hát Giang(sông Đáy) có thể nói đây là một lễ hội kết chạ đặc biệt.
Lễ hội cổ truyền của hai làng kết chạ ở các tỉnh thuộc châu thổ Bắc Bộ không hiếm, nhưng phân vai chủ/khách rất rõ ràng. Những làng kết chạ với nhau thường có tục lệ đón tiếp nhau trong dịp một trong hai làng vào đám, mở hội hoặc khi làng có sự việc vui mừng nào đó. Việc đón tiếp có tục lệ theo qui định của làng chứ không phải tùy tiện theo ý muốn của riêng ai. Khi trong “vai chủ nhà”,nghi lễ đón tiếp là: chức sắc, bô lão của chạ em sẽ đón tiếp mời chào các chức sắc, bô lão của chạ anh; trai gái chạ em đón tiếp trai gái chạ anh. Địa điểm tiếp chính thức chạ anh có thể là ngôi đền hoặc đình của làng Ở đó, đại diện của dân chạ em đón tiếp đại diện dân chạ anh là các chức dịch và các bô lão. Lời lẽ được dùng trong cuộc đón tiếp này là những từ ngữ hết sức văn hoa, nho nhã, khiêm tốn, lịch sự.
Trong vai khách,thì khi đến chạ em, chạ anh thường mang đến một khoản lễ vật, vừa như là giới thiệu đặc sản của làng mình, vừa là để tỏ lòng quý trọng chủ nhà. Về phía chủ nhà cũng tự xưng là “em”, sau khi nhận lễ vật và hàn huyên với khách, họ mời khách dự tiệc tại đền hoặc đình thờ Thần, sau đó, cùng khách vui chơi hoặc hát quan họ như lễ hội các làng quan họ ở tỉnh Bắc Ninh. (5)
Ở lễ hội Văn Giang, Nam Dương, hai làng tham gia như một bộ phận không thể thiếu, bình đẳng mọi việc Không có làng chủ, làng khách. Đọc khoán ước phân công rõ ràng. Dâng lễ vật, đại diện hai làng cùng thực hiện. Mọi trò diễn, nghỉ lễ diễn ra trên mặt nước Hát giang(sông Đáy). Không gian lễ hội là mặt nước Hát giang(sông Đáy). Với một số lễ hội cổ truyền của các làng ở châu thổ Bắc Bộ có sông nước, chỉ có nghỉ lễ ra sông lấy nước mang về để làm lễ mộc dục, chẳng hạn lễ hội đền Chử Đồng Tử, đền Hoá Dạ Trạch (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), hoặc mặt sông là không gian để tổ chức đua thuyền như ở tỉnh Quảng Bình hoặc tỉnh Phú Thọ. Hai làng Văn Giang, Nam Dương sống bên bờ Hát giang (sông Đáy), nhưng lễ hội lại tổ chức trên mặt nước của dòng Hát giang(sông Đáy), cùng tổ chức lễ hội, chứ không phân vai chủ /khách như lễ hội các làng kết chạ khác ở châu thổ Bắc Bộ.
Cuối cùng là giá trị khoa học của lễ hội. Công việc quan trọng của lễ hội hai làng Nam Dương, Văn Giang là ghép thuyền trên sông. Từ bờ sông của làng mình tiến ra giữa sông, mỗi làng có 5 chiếc thuyền. Mỗi chiếc thuyền có chiều dài 40m, rộng 4m, sức chứa trên thuyền khoảng 100 người. Khi tiến hành lễ hội, thuyền của hai làng ghép lại thành một đoàn thuyền. Thuyền số 1 là thuyền lễ. Kiệu lễ của hai làng được xếp vào thuyền này. Việc ghép các thuyền trên sông đòi hỏi người chỉ huy phải có kinh nghiệm, phải biết mực nước sông những ngày lễ hội để tổ chức ghép thuyền, công việc này do người lái xử lý. Thuyền của hai làng Văn Giang,Nam Dương ghép thành một đoàn thuyền ,diễu hành hoành tráng trên sông. Mọi nghi lễ diễn ra ở thuyền số 1, việc này đòi hỏi sự hiểu biết và kinh nghiệm, nhất là người điều hành các nghi lễ trên sông. Tất cả những kinh nghiệm và tri thức dân gian của người dân vùng sông nước hai làng Văn Giang,Nam Dương có giá trị khoa học cao.
Tựu trung, lễ hội hai làng Văn Giang,Nam Dương là một thực thể văn hóa gắn bó với sông nước, thể hiện tính chất sông nước của văn hóa Việt Nam mà P.Gourou,một học giả Pháp đã khẳng định trước năm 1945.Hát giang(sông Đáy) là nhân tố chi phối,gắn bó với các thành tố và diễn biến của lễ hộinày. Có thể coi lễ hội cổ truyền của hai làng Văn Giang,Nam Dương là lễ hội sông nước.Hiếm có một lễ hội cổ truyền nào của Việt Nam mang tính chất này.
Công việc bảo vệ và phát huy giá trị của lễ hội hai làng, trong tương lai cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hai làng. Có thể có một số công việc cần ưu tiên như sau.
Công tác tuyên truyền và giáo dục cần được đặc biệt chú trọng nhằm nâng cao nhận thức về những giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội, trân trọng, gìn giữ và chủ động phát huy các giá trị đó trong đời sống cộng đồng. Thực tiễn cho thấy những hiểu biết cụ thể về nhân vật thiêng đang được thờ phụng tại di tích còn ít ỏi, thậm chí hơi hời hợt, chưa có minh chứng cụ thể thuyết phục bằng các chứng cứ khoa học được thẩm định. Thông qua công tác tuyên truyền trực tiếp, không đợi đến dịp lễ hội mới tuyên truyền, mà có thể lồng ghép vào các kỳ dịp quan trọng trong năm gắn với chu kỳ lịch tiết và các sự kiện tại địa phương.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước và tự quản cộng đồng để bảo vệ di tích, tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị hiện hữu của di tích một cách hiệu quả thông minh, bài bản với trách nhiệm được phân định cụ thể đi liền với quyền lợi thỏa đáng cho bộ phận liên quan. Làm được điều này sẽ thực sự hữu ích nhằm tránh những hệ lụy đáng tiếc/không đáng có đối với di sản văn hóa vật thể tại hai làng Văn Giang, Nam Dương.
Hoàn thiện tư liệu liên quan tới phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, đặc biệt là lễ hội chung của hai làng bằng các hỗ trợ nghiên cứu từ các nhà khoa học, những vị cao niên am hiểu lịch sử địa phương và các nhà quản lý các cấp bằng hệ thống sản phẩm sách, tờ rơi, băng đĩa, phim, các sản phẩm được số hóa... để chuẩn hóa tư liệu địa phương cũng như hướng tới bảo tồn lâu dài, hiệu quả kết quả nghiên cứu nhằm phục vụ tuyên truyền và thực hành văn hóa ở địa phương. Gắn kết các sản phẩm của lễ hội hai làng Văn Giang, Nam Dương với phát triển du lịch, nhất là du lịch chùa Hương tại huyện Mỹ Đức, để người dân có cơ hội nâng cao thu nhập kinh tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế của hai huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa.
Khuyến khích cộng đồng chủ thể lễ hội hai làng Văn Giang và Nam Dương tiếp tục không ngừng, nhiệt tình đóng góp trí lực, tài lực, vật lực cụ thể trên tinh thần tự nguyện tự giác, thể hiện sống động, đầy sáng tạo vì sự phát triển và niềm tự hào bản sắc văn hóa quê hương đất nước mỗi kỳ tổ chức lễ hội. Chú trọng công tác môi trường với Hát giang(sông Đáy).
Lễ hội hai làng Văn Giang, Nam Dương đã được Bộ Văn hóa,Thể thao,Du lịch vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của lễ hội của hai làng cần được tôn vinh và phát huy lâu dài, bền bỉ để lễ hội truyền thống hai làng thực sự góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa,kinh tế ở địa phương, góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc của dân tộc nói chung, của Thành phố Hà Nội nói riêng, trong giai đoạn hiện nay. Lễ hội cổ truyền của hai làng Văn Giang Nam Dương, trên cơ sở ấy sẽ mãi phát triển như nước Hát Giang xuôi về biển khơi.
Kết
Lễ hội cổ truyền của hai làng Văn Giang,Nam Dương trên Hát giang( sông Đáy) là một lễ hội đặc biệt,từ không gian thờ cúng,nhân vật thờ cúng và nghi thức thờ cúng.Lễ hội của hai làng, nhưng là một ,cùng tổ chức trên mặt nước Hát giang( sông Đáy). Ở Việt Nam, chỉ có lễ hội hai làng Văn Giang,Nam Dương mang đặc trưng này.Người dân hai làng bao đời nay coi lễ hội như một phần trong đời sống tinh thần của họ,thể hiện bản sắc của hai làng .Vì thế, khả năng trường tồn và lan tỏa của lễ hội hai làng rất lớn./.
Nguồn: Nguyễn Chí Bền ,GS.TS Trường Đại học Văn hóa Hà Nội