Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thuận: Tìm hướng đi mới cho dệt lụa tằm tơ phát triển

Nếu ai có dịp về xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) hỏi thăm gia đình có truyền thống lâu đời về nghề ươm tơ dệt lụa thì trong xóm, ngoài làng ai nấy đều nhắc đến gia đình bà Phan Thị Thuận. Bởi gia đình bà đến nay đã 4 đời làm nghề nuôi tằm và sản xuất sản phẩm từ tằm tơ.

Nếu ai có dịp về xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) hỏi thăm gia đình có truyền thống lâu đời về nghề ươm tơ dệt lụa thì trong xóm, ngoài làng ai nấy đều nhắc đến gia đình bà Phan Thị Thuận. Bởi gia đình bà đến nay đã 4 đời làm nghề nuôi tằm và sản xuất sản phẩm từ tằm tơ.

Có lẽ cũng bởi từ tình yêu quê hương, tuổi thơ lớn lên cùng với việc trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, nên đến nay bà Thuận đã có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất và phát triển nghề tằm tơ với những sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Bà Phan Thị Thuận dù mới thành lập Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức vài năm gần đây, nhưng công ty của bà hoạt động khá ổn định, từng bước tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Sản phẩm của bà được đăng ký thương hiệu độc quyền với tên quốc tế: SILK4WORLD; ý nghĩa là được sản xuất 100% từ tơ tằm.

Bà Phan Thị Thuận được nhiều khách hàng trong nước và quốc tế biết đến thông qua sự sáng tạo không mệt mỏi trong quá trình sản xuất và cải tiến kỹ thuật cũng như mẫu mã lụa truyền thống. Cơ sở sản xuất của bà hàng năm cho ra đời hàng nghìn sản phẩm với các chủng loại khác nhau, nhưng chủ yếu nhất vẫn là sản phẩm tơ tằm đặc chủng; các sản phẩm dệt lụa trơn, lụa thô và đặc biệt là hàng thổ cẩm bằng tơ tằm. Đây là những mặt hàng hoàn toàn làm theo lối thủ công truyền thống, kết hợp với kỹ thuật hiện đại để tạo ra những sản phẩm đẹp, có chất lượng tốt. Trong đó, sản phẩm lụa thô, khăn thô và bông tơ tằm là một trong những sản phẩm độc đáo nhất.

Nếu việc kéo kén lấy tơ trước đây chỉ làm bằng những con kén nguyên, mới có thể cho ra những sợi tơ tốt, để dệt nên những tấm lụa trơn, mượt và mịn. Còn những con kén, phế kén vỏ thủng đầu của tằm tơ thường bỏ đi và không thể dùng vào việc gì. Bà Thuận thấy đó là một sự lãng phí lớn nên đã cất công nghiên cứu để có thể tận dụng nguồn tơ tằm từ kén phế liệu đó. Bởi theo bà, các con kén này tuy là phế nhưng chất liệu tơ là hoàn toàn đẹp và bền, không kém gì sản phẩm từ con kén nguyên. Do đó, bằng việc lấy công làm lãi, bà Thuận đã phát triển được ngành nghề mới trong việc sản xuất tơ tằm.

Để cho ra đời những sản phẩm thơ mang đầy chất cảm, bà Phan Thị Thuận đã sử dụng phương thức vê và nối kén bằng tay. Công đoạn này tuy mất nhiều thời gian nhưng lại tạo ra những sợi tơ đều đặn và những gút nối đẹp. Tiếp đó, những cuộn sợi thô được mắc vào những khung cửi gỗ, hoàn toàn truyền thống để có thể cho ra đời những chiếc khăn lụa óng ả. Đối với việc nhuộm màu, bên cạnh việc sử dụng những chất liệu màu lấy từ thiên nhiên như truyền thống vẫn làm, bà còn kết hợp với những kỹ thuật hấp, nhuộm hiện đại để tạo nên được những sản phẩm có màu sắc đa dạng mà vẫn giữ được vẻ óng ả, đặc trưng của lụa.

Ngoài việc sử dụng kén phế làm nguyên liệu sợi tơ thô để dệt, bà Thuận còn nghiên cứu và làm ra những chiếc gối, chăn đẹp,… để phục vụ nhu cầu của người dân nghỉ ngơi và lấy lại sức khỏe sau những buổi làm việc vất vả. Bà còn tạo ra những sản phẩm lụa thổ cẩm độc đáo từ những chiếc máy dệt truyền thống với hàng trăm bộ hoa văn, mẫu định sẵn. Đồng thời, bà còn dành nhiều tâm huyết và thời gian để nghiên cứu cách thức, cải tiến sao cho các công đoạn dệt được nhanh và chính xác.

Gần đây, bà Phan Thị Thuận còn cho ra đời những sản phẩm thổ cẩm bằng tơ tằm độc đáo, mang tính mỹ thuật cao, được khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộm, mến mộ. Đó là một hướng đi mới của nghệ nhân ưu tú này. Sản phẩm thổ cẩm bằng tơ tằm là sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ cở của bà và nhóm sáng tác mẫu hoa văn dân tộc của các họa sĩ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Với việc lấy cảm hứng dựa trên hoa văn của đồng bào dân tộc ít người ở Việt Nam để tạo ra những mẫu hoa văn mang phong cách hiện đại.

Tuy nhiên, do khó khăn về kinh tế, chưa mở rộng được quy mô sản xuất nên bà nhiều lần từ chối việc đặt hàng số lượng lớn từ nước ngoài do chưa có nguồn nguyên liệu và nguồn vốn dự trữ, chưa có lượng lớn hàng sẵn có trong kho để khi xuất hàng đi với số lượng lớn vẫn còn nguồn hàng.

Do vậy, bà Thuận mong muốn được mở rộng sản xuất; khôi phục và phát triển ngành tơ tằm truyền thống và nhân rộng ra trong phạm vi cả nước. Bà mong muốn ngày càng có nhiều người dân Việt Nam được sử dụng những sản phẩm tơ tằm chất lượng tốt, từ tấm chăn đến quần áo, khăn quàng,… Nhưng để thực hiện được điều đó là không hề đơn giản, rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, của các nhà đầu tư tài chính thì ước mơ đó mới có thể trở thành hiện thực.

Văn Bình - Thanh Tuấn

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Mỹ Đức

Bình luận