Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Lời Người đọng mãi nơi đây

“Đại Nghĩa là cái tên rất đẹp! Các cô, các chú phải phát triển kinh tế, phát triển văn hóa làm sao cho xứng với cái tên đó. Không được tự mãn với thành tích. Tự mãn sẽ đi đến bảo thủ. Đại là phải tiến lên, tiến lên mãi. Đại Nghĩa là phải phát triển các ưu điểm, ra sức sửa chữa các khuyết điểm”. 56 năm trôi qua, những lời Bác Hồ căn dặn được người dân thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) khắc ghi trong lòng và là kim chỉ nam để xây dựng, phát triển quê hương.

“12 cô gái Đại Phong”

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người được gặp Bác Hồ năm ấy không còn nhiều… May mắn, chúng tôi được anh Bùi Văn Đạt (cán bộ truyền thanh thị trấn Đại Nghĩa) đưa đến gặp nhân chứng đặc biệt – bà Lê Thị Pha, năm nay đã 79 tuổi. Bà Pha là một trong “12 cô gái Đại Phong” năm xưa của Đại Nghĩa.

Trong ngôi nhà 5 gian, trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Pha cùng chồng là ông Lê Viết Thuật đã ôn lại những kỷ niệm ngày được gặp Bác Hồ tại quê hương. “Đó là ngày 7-10-1961, không được báo trước, nhưng khi Bác về thăm, chỉ sau mấy phút, tất cả dân làng ào ào ra đón Bác. Khi thấy Bác, ai cũng ngỡ ngàng, xúc động, đồng thanh hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm – Hồ Chí Minh muôn năm…” – bà Lê Thị Pha nhớ lại.

Tại nhà thờ họ Nguyễn (thôn Văn Giang), Bác đã nói chuyện với cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa. Ngoài những lời thăm hỏi, dặn dò, Người còn nói về chủ đề phát triển nông nghiệp, nông thôn và biểu dương phong trào Đại Phong của huyện Mỹ Đức khi ấy. Bác chỉ rõ: Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo của mình. Các cán bộ tỉnh, huyện phải đi sâu xuống các hợp tác xã, giúp các hợp tác xã tiến bộ nhưng cán bộ tỉnh, huyện không thể đi khắp được nên cái gốc trong lãnh đạo hợp tác xã vẫn là chi bộ Đảng cơ sở. Chi bộ phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn và làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển củng cố hợp tác xã.

Trong câu chuyện của bà Lê Thị Pha, những cô gái của phong trào “12 cô gái Đại Phong” năm ấy đã vượt nhiều gian khó, ngày đêm hăng say lao động, sản xuất. Họ là người tiên phong, gương mẫu trong mọi việc, như dậy sớm, cấy lúa, trồng ngô, trồng khoai, nuôi lợn… tất cả đều gắng sức vì tập thể, theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ. Từ phong trào đó, nhân rộng ra khắp 10 đội sản xuất của xã Đại Nghĩa, đã góp phần bảo đảm đời sống nhân dân và chi viện lương thực cho chiến trường miền Nam… Tiếp lời bà Pha, ông Lê Viết Thuật chia sẻ: “Tôi biết thông tin Bác về xã nhà là khi đang ở chiến trường Lào, tôi mừng vui mà ngỡ như đang được nghe Bác nói…”. Thoáng bùi ngùi khi nói về 12 cô gái Đại Phong năm xưa, bà Pha và ông Thuật không kìm được xúc động: “Bốn người đã mất, 3 người lập nghiệp ở xa, chỉ còn 5 người sinh sống ở quê. Họ đều tuổi cao, sức yếu, trí nhớ giảm sút… nhưng những ký ức về Bác Hồ với Đại Nghĩa thì còn vẹn nguyên…”.

Đinh ninh lời Người dặn

Đã thành nếp, hằng năm vào những ngày này, Đại Nghĩa rực rỡ hơn nhưng cũng lắng đọng hơn, bởi hòa trong không khí cả dân tộc chào mừng Ngày Quốc khánh 2-9 thì mỗi người dân nơi đây lại có niềm bâng khuâng khôn tả khi nhớ về Bác Hồ với hình ảnh yêu kính, thân thuộc.

“Sau ngày được gặp Bác, cán bộ, nhân dân quê tôi như thêm sức mạnh tiếp tục thi đua lao động, xây dựng quê hương. Đại Nghĩa luôn đinh ninh lời Người dặn, phát huy thế mạnh về cây lúa, là đơn vị đi đầu toàn huyện về củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả hợp tác xã nông nghiệp…” – bà Lê Thị Pha xúc động nói. Với suy nghĩ, tình cảm đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, năm 1976, ông Lê Viết Thuật trở về địa phương đã cùng bà Pha vượt qua khó khăn, nuôi dạy con cái trưởng thành. Đến nay, cả 6 người con trai, gái, dâu, rể của ông bà đều là giáo viên “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

“Không riêng gia đình bà Pha mà hầu hết người dân Đại Nghĩa đều mang trong mình niềm tự hào là nơi được Bác Hồ về thăm. Tại Tổ dân phố Văn Giang (nơi Bác Hồ đến Nhà thờ họ Nguyễn), hiện nay có rất nhiều nhà giáo và số học sinh đỗ đại học, cao đẳng năm nào cũng cao; tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau đậm nghĩa tình luôn được người dân coi trọng” – anh Bùi Văn Đạt chia sẻ.

Là thế hệ trẻ, không có cơ hội được gặp Bác, nhưng Chủ tịch UBND thị trấn Đại Nghĩa Nguyễn Văn Ninh hiểu sâu sắc ý nghĩa và tình cảm chuyến thăm của Bác Hồ dành cho quê mình. “Ngày Bác về thăm trở thành ngày trọng đại của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Đại Nghĩa trước đây và thị trấn Đại Nghĩa hôm nay. Phát huy truyền thống và niềm vinh dự, tự hào đó, cán bộ, nhân dân Đại Nghĩa luôn khắc sâu hình ảnh, tình cảm và lời dặn dò của Người.

“Là địa phương xa trung tâm, còn nhiều khó khăn, nhưng với niềm vinh dự được Bác Hồ về thăm, đây là nguồn cổ vũ, tạo động lực cho các thế hệ cán bộ, nhân dân Đại Nghĩa đoàn kết, chung sức xây dựng thị trấn giàu mạnh, xứng đáng với lời dạy của Người” – ông Nguyễn Văn Ninh nói như vậy khi chia tay khiến chúng tôi tin tưởng Đại Nghĩa sẽ phát triển ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Nguồn: nguoimyduc.vn

Bình luận